Kể chuyện về người có tấm lòng nhân hậu | Văn mẫu 4




Kể chuyện về người có tấm lòng nhân hậu do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn gồm những bài văn hay và cảm động nhất kể về những tấm gương người có tấm lòng nhân hậu, đồng cảm, sẻ chia với người khác trong cuộc sống.

Đề bài: Kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có tấm lòng nhân hậu.

Bạn Đang Xem: Kể chuyện về người có tấm lòng nhân hậu | Văn mẫu 4

***

Mẫu bài văn hay nhất kể về một tấm gương nhân hậu

Ở hiền thì được gặp hiền

Người ngay thì được Phật tiên độ trì.

Đó là hình ảnh cô bé tốt bụng trong câu chuyện cổ tích nước ngoài em đã được học. Tên truyện thật dễ thương: Miệng nói ra hoa ra ngọc. Chuyện kể rằng:

Ngày xưa, có một cô gái hiền lành tốt bụng. Cha mẹ cô đều mất sớm nên cô phải đi ở cho hai mẹ con nhà giàu nọ. Mẹ con chủ nhà thật là độc ác, chua ngoa. Họ chửi mắng cô gái đi ở tồi tệ, mặc dù cô chăm chỉ làm việc, thật thà, chất phác.

Một hôm, ra bờ suối để múc nước gánh về, cô gái gặp một cụ già rách rưới xin ngụm nước. Cô thấy thương cụ quá nên vội rửa sạch thùng rồi chạy ra ngoài xa múc nước trong, hai tay dâng thùng nước cho bà cụ uống.

Uống xong, cụ già bảo:

– Con tốt bụng lắm. Con thật đáng khen. Ta ban phép lành cho con đây. Từ nay con mở miệng nói thì ra hoa, ra ngọc. Cô gái cúi đầu cảm ơn bà cụ, lúc nhìn lên thì bà cụ đã biến mất. Cô gái vội gánh nước trở về. Đến nhà, mẹ con chủ nhà quát mắng. Cô gái chắp tay van xin:

– Con xin bà tha lỗi cho con!

Vừa nói dứt lời thì hai đóa hoa thơm ngát và hai viên ngọc lấp lánh từ trong miệng cô bay ra.

Mẹ con chủ nhà vô cùng kinh ngạc. Khi nghe cô kể lại sự việc, mụ chủ vội giục con gái ra suối lấy nước. Cô ta mang bình đi. Đến nơi, bỗng một em bé rách rưới, bẩn thỉu đến xin nước uống. Cô ta bĩu môi nói rằng:

– Cái con bé dơ bẩn này! Dễ tao đến đây múc nước cho mày uống à? Muốn uống thì tự xuống suối mà uống!

Em bé lúc đó bỗng biến thành một bà tiên. Người bà tỏa ánh sáng lấp lánh. Bà tiên bảo rằng:

– Mày xấu bụng lắm. Đáng bị trừng phạt. Từ rày, mày mở miệng ra nói thì nhả ra rắn, ra cóc vậy. Nói rồi bà tiên biến mất, cô ả ngoai ngoải về nhà.Thấy con gái về, mụ mẹ săn đón hỏi han từ cổng vào:- Thế nào hả con? Có gặp bà tiên không?

Cô ta vừa đáp:

– Mẹ ạ!

Bỗng hai con rắn và con cóc từ miệng cô bò ra thật khiếp đảm! Mụ mẹ hoảng hốt la hét:

– Trời ơi! Sao lại thế này? Con ranh ác độc kia. Hại con tao phải không? Vừa nói mụ vừa lấy cây đánh cô bé đi ở. Cô gái sợ quá chạy một mạch vào rừng xanh, oan ức và buồn tủi. Giữa lúc ấy thì hoàng tử đi săn về ngang qua đấy. Nhìn thấy cô gái khóc, hoàng tử dừng lại xuống ngựa, lại gần cô và hỏi:

– Vì sao cô khóc? Cô gái thổn thức trả lời:

– Em bị bà chủ đánh…

Hoàng tử thấy miệng cô gái hoa và ngọc bay ra, rất lấy làm lạ. Biết chuyện, hoàng tử đưa cô gái về cung, xin vua cha cho cưới nàng làm vợ. Còn ả con gái mụ chủ thì ngày càng khiếp sợ về mình. Ả đi lang thang khắp nơi, không ai dám làm bạn và hỏi chuyện với ả. Còn mẹ ả thì sống thui thủi một mình, chẳng bao lâu thì chết.

Qua câu chuyện trên em mới thấm thía một điều: “Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ”. Tấm lòng nhân hậu sẽ giúp cho người có có được hạnh phúc.

ke chuyen nguoi co tam long nhan hau lop 4 rs650 ke chuyen nguoi co tam long nhan hau lop 4 rs650

Những bài văn hay kể về tấm lòng nhân hậu

Kể về người có tấm lòng nhân hậu ngắn nhất

Trong những người em từng gặp đến nay, người có lòng nhân hậu nhất là bà em. Bà có lòng thương người vô bờ bến.

Chuyện xảy ra trên đường bà đưa em đi học về. Bà đang chở em đi học về trên quãng đường dốc gồ ghề đầy đất đá. Bỗng bà thắng xe kêu kít. Thì ra có người đang có người nằm bất tỉnh giữa đường, không vật dụng Hay xe cộ bên cạnh. Đoạn đường này vắng vẻ, ít có xe cộ và không có nhà dân xung quanh. Dù có lay cỡ nào, người đàn ông ấy vẫn không tỉnh dậy. Cuối cùng, bà quyết định chở người đó đi bệnh viện xã cách đó mười cây số. Nhìn đoạn đường dốc lắm với cái nắng muốn bể đầu, em thấy thương bà làm sao. Càng thương bà hơn vì người đàn ông phía sau nặng nề. Em ngồi phía trước. Đến bệnh viện, mồ hôi nhễ nhại, bà nói chuyện với bác sĩ trong lúc thở dốc.

Sau đó, gia đình người bị nạn đã đến chăm sóc người đàn ông nọ. Bà cháu em lủi thủi ra về. Trên đường về, bà bảo: “Mai mốt, con lớn lên con cũng hãy nhớ lấy hôm nay mà yêu thương cứu giúp mọi người không cần toan tính con nhé! Con giúp người, người sẽ giúp ta thôi”. Câu nói của bà cứ vang vọng mãi trong đầu óc em. Bà em đúng là có lòng nhân hậu. Em rất sung sướng và hạnh phúc khi có người bà tuyệt vời như thế.

Kể chuyện về người chị có tấm lòng nhân hậu:

Nhà chị Hương chỉ cách nhà em một khu vườn đẹp. Hàng ngày, em thường sang chơi với chị và được chị cưng chiều lắm. Hôm ấy chị đến rủ em sang nhà bà Tư chơi, thấy việc làm của chị đối với bà Tư, em lại càng yêu thương và quý trọng chị hơn.

Bà Tư năm nay đã ngoài bảy mươi, sức khỏe yếu đi nhiều so với mây năm trước. Chị Hương bảo:

– Bà có năm người con đều hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ. Vừa qua, bà được chính phủ phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Bà không có cháu chắt gì cả, sống thui thủi một mình nên chị Hương thương bà lắm. Thường ngày, chị sang giúp bà quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, đấm lưng, bóp chân… cho bà những lúc trời trở gió. Không ruột rà máu mủ, không họ hàng thân thích, vậy mà chị yêu quý bà Tư như bà ruột của mình.

Hôm hai chị em đến, thấy nhà cửa im lìm, tưởng bà đi đâu đó. Đứng ngoài sân chị gọi hai, ba tiếng, không thây bà trả lời. Chị bảo em: “Mình đẩy cửa vào đi!”. Vừa bước vào nhà, chị Hương đã la to: “Bà làm sao thế hở bà? Bà bị bệnh ư? Chị vội giở chiếc chăn bông lên, lay gọi bà. Mãi sau mới thấy bà mở mắt, trở mình nhìn chị Hương và em rồi thều thào nói trong hơi thở: “Hai cháu đến với bà đó à! Bà thấy chóng mặt từ tối hôm qua, sáng nay muốn dậy mà không dậy được”.

– Suốt mấy ngày nay, bà chưa ăn gì, hở bà! Cháu tệ quá, không biết sang giúp bà!

Chị quay sang em, nói vội: “Em ngồi đây bóp chân bóp tay và xoa dầu cho bà, chị ra tìm mua cái gì cho bà ăn rồi chị vào ngay.

Nhìn theo bóng chị vội vã khuất sau hàng rào râm bụt, em cảm thấy lòng mình dâng lên một tình thương và một sự cảm phục. Đời chị cũng quá ư vất vả và bất hạnh. Mồ côi mẹ từ tấm bé, chị thiếu đi tình thương bao la của một người mẹ. Ba chị ở vậy nuôi chị cho đến bây giờ. Phải chăng sông trong hoàn cảnh ấy chị mới thấm thía cảnh cô đơn, bóng chiếc của người đời mà chị đem tình thương của mình sưởi ấm cho bà Tư và cho bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ. Cả xóm em, ai cũng khen chị, quý chị. Giờ đây nghĩ lại những lời ca tụng của mọi người về đức hạnh của chị, em lại càng hiểu chị hơn. Đang miên man suy nghĩ thì đã thấy chị trên tay cầm tô cháo đang bốc hơi nghi ngút, nhanh nhẹn bước vào. Đặt tô cháo lên bàn, chị đến bên giường nhỏ nhẹ:

Xem Thêm : Soạn bài Chính tả (Nghe – viết): Thợ rèn trang 86

– Để cháu đỡ bà dậy, bà ăn cháo cho khỏe, bà nhé!

Nhìn chị đút từng muỗng cháo cho bà, em nhớ lại hình ảnh trước đây, mẹ em cũng chăm sóc ngoại em như chị Hương bây giờ. Chao ôi! Chị Hương thật là tuyệt! Chị là tấm gương, là biểu tượng đẹp về lòng nhân ái, về tình yêu thương và đức hạnh cho em và các bạn noi theo.

Trên đường trở về nhà cùng em, chị dặn:

– Những lúc học bài xong, rỗi rãi, cưng ráng qua lại thăm bà, động viên bà nghe cưng. Tội nghiệp bà lắm Trúc Ly ạ.

– Vâng! Em sẽ làm như lời chị dặn.

Kể chuyện về người bà có tấm lòng nhân hậu

Mấy hôm, trời rét căm căm. Các nhà trong xóm đóng cửa kín mít để tránh gió. Trên đường, chỉ có lác đác người qua lại. Trời sáng dần, gió thổi lạnh buốt, mưa rơi rả rích.

Hôm đó, em ra máy nước rửa rau xà lách. Em mặc áo ấm và khoác áo mưa. ở máy bên kia, bà cụ Loan đang hứng nước. Bà chỉ mặc phong phanh. Mưa và gió lạnh tê tái làm bà run lẩy bẩy. Khi hứng nước xong định ra về, bà quỵ xuống. Bà cố tựa vào tường, mắt nhìn em như cầu cứu. Em hoảng hốt vội chạy ra đỡ bà dậy. Nhìn khuôn mặt tái nhợt, em biết bà bị lạnh cóng. Em dìu bà về nhà. Căn nhà tồi tàn, chẳng có nhiều đồ đạc: một cái tủ và một cái giường đơn. Em đỡ cụ lên giường và về gọi bà nội em. Bà em rất thạo về các môn thuốc thông thường. Nghe em nói, bà em tất tả chạy sang nhà bà Loan.

Sau vài phút xem xét, bà em nói:

– Bà cụ bị cảm lạnh. Bây giờ cháu đi nhóm lửa sưỏi ấm cho cụ đi.

Bà em chạy về nhà lấy một cái áo len của mình thay vào chỗ áo ướt của cụ Loan. Bà đắp chăn cho cụ và lại về lấy mấy thứ cần thiết sang xoa bóp cho cụ Loan. Sau đó, bà em cho cụ uống thêm mấy viên thuốc cảm.
Mười phút sau, bà cụ Loan hết run. Người cụ ấm dần và bà cụ từ từ mở mắt. Cụ không ngồi dậy được mà chỉ nhìn em và bà nội với đôi mắt biết ơn.

Bà em nói:

– Chiều, bà sẽ khỏi. Bây giờ, bà ngủ đi cho khoẻ.

Bà em kéo chăn đắp kín ngực cho bà cụ và bảo em:

– Cháu ra máy nước mang rau về. Thỉnh thoảng, bà cháu ta sẽ sang xem xét tình hình bà cụ.

Đến chiều, mưa chỉ còn lất phất. Cô Hoa, con gái bà cụ đạp xe đến. Cô rất xúc động khi biết chuyện xảy ra.

Cô nói với bà em:

– Cháu cảm ơn cô nhiều, nếu không có cô và cháu Phương thì không biết mẹ cháu sẽ ra sao!

Cô Hoa ở lại để chăm sóc mẹ.

Em thủ thỉ:

– Bà ơi! Bà tốt với cụ Loan nhỉ?

Bà vuốt tóc em cười hiền hậu:

– Thương người như thể thương thân mà cháu!

Câu chuyện về người có tấm lòng nhân hậu: Phép màu có giá bao nhiêu?:

Phép màu có giá bao nhiêu ?

Ông cha vẫn thường nói:

“Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Tình yêu thương giữa những người anh em ruột thịt bao giờ cũng khăng khít và thiêng liêng. Tôi đã từng nghe câu chuyện về một cô bé nhỏ tuổi, vì yêu thương em nên đi mua phép màu. Câu chuyện có tên: Phép màu có giá bao nhiêu?

Em trai cô bé tên là Andrew, mắc một căn bệnh nặng. Ba mẹ cô bé đã chữa chạy khắp nơi nên bây giờ không còn khả năng chi trả viện phí. Một lần, từ sau cánh cửa, cô nghe thấy ba nói với mẹ: “Chỉ có phép màu mới cứu được Andrew”. Nghe vậy, cô bé chạy ngay về phòng, kéo ra một con heo đất được cất giấu bí mật sau tủ. Cô dốc hết đống tiền lẻ rồi cặm cụi đếm. Em lẻn chạy đến hiệu thuốc gần đó. Người bán thuốc ngạc nhiên hỏi khi cô bé đặt toàn bộ số tiền của mình lên bàn: “Cháu cần mua gì?”.

– Em trai của cháu bị bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu. – Cô bé nhanh chóng đáp.

– Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc. – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

Cô bé thoáng buồn nhưng đáp vội: – Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm ạ. Chỉ cần cho cháu biết phép màu giá bao nhiêu?

Trong cửa hàng lúc này cũng có một vị khách khác, ông ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Cháu cần loại phép màu gì?”

– Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”

– Vậy, cháu có bao nhiêu nào? – Vị khách hỏi.

Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”

Người đàn ông mỉm cười thốt lên: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.

Xem Thêm : Soạn bài Luyện từ và câu lớp 4: Câu khiến trang 87

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh. Mẹ cô bé mừng rỡ thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”

Nghe những lời đó của mẹ, cô bé mỉm cười bởi cô biết chính xác phép màu giá bao nhiêu: một đô la mười một xu. Nhưng cô không hề biết, phép màu ấy là hòa chung giữa tình yêu thương của cô dành cho em trai với lòng nhân từ của vị bác sĩ và với chính sự ngây ngô của cô.

Kể chuyện về người bạn có tấm lòng nhân hậu

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường được nghe những câu ca dao tục ngữ mà ông cha đã dạy: “Thương người như thể thương thân”. Tấm lòng nhân hậu luôn luôn đáng quý và đáng trân trọng em đã đọc và nghe nhiều trên tivi hay sách báo. Nhưng mới năm trước em đã gặp một người có tấm lòng nhân hậu, một người bạn mới chỉ bằng tuổi của em. Em kể lại cho mọi người cùng nghe nhé.

Hôm ấy là một ngày gần cuối năm học, trời nắng oi bức của mùa hè khiến ai cũng thấy ngột ngạt và khó chịu. Ngày mùa, rơm rạ phơi đầy ngoài đường nên cái nóng bốc lên khiến chúng em đi học về ai cũng vã đầy mồ hôi. Vì nhà gần trường nên chúng em vẫn thường đi bộ đến lớp và trở về nhà sau mỗi ngày học tập. Trên đường trở về nhà, chúng em bắt gặp một bà lão ăn xin, quần áo rách tả tơi, gương mặt mệt mỏi hốc hác. Bà đang tiến đến một nhà ven đường để xin ăn thì đám bạn học sinh cá biệt của trường đi tới, một bạn kêu lên:

– Chúng mày ơi ở đây có một bà già ăn mày nhìn kinh quá đi.

Tất cả mọi ánh mắt dồn về phía bà, một đứa nói:

– Khiếp trông bà ta như quỷ ý, ghê quá, chạy thôi.

Mấy đứa khác cầm gậy đuổi bà rồi ê ê cười hả hê sung sướng. Một đứa láu cá hơn còn đẩy khiến bà suýt ngã. Bọn bạn đang cười ha hả thì bỗng cái Mai – bạn cùng lớp với tôi đi tới và quát to:

– Các bạn làm gì thế, sao các bạn lại có thể đối xử với bà cụ như vậy. Trông bà đã khổ lắm rồi. Các bạn thật quá đáng.

Một vài tiếng xì xào xung quanh, có cả người lớn đi đường nói đám bạn nhỏ vô lễ. Lũ bạn học sinh cá biệt của trường không nói gì bèn lảng đi.

Lúc đó, Mai tiến lại gần bà cụ. Bạn đỡ bà cẩn thận hỏi thăm bà lão ăn xin rồi lại gần nhà dân xin cho bà cốc nước để bà uống đỡ mệt. Mai nói:

– Bà mệt lắm phải không ạ? Sao bà lại đi ăn xin, con cháu bà đâu rồi ạ?

Bà cụ nói:

– Không phải bà đi ăn xin, bà đi cùng con cháu đến viện nhưng bị lạc mấy ngày hôm nay không liên lạc được. Bà mệt và đói quá nên đi xin tạm gì ăn rồi tìm người giúp đỡ cháu ạ.

Ánh mắt Mai trùng xuống thương bà, bạn nói:

– Không sao ạ, cháu sẽ dẫn bà về nhà ăn cơm, tắm rửa sạch sẽ, rồi bố mẹ cháu sẽ đưa bà đến đồn công an nhờ họ giúp ạ.

Bà lão vui mừng khôn xiết. Mai nắm tay bà thật chặt rồi dìu bà lão về nhà, bỏ lại phía sau ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ của mọi người xung quanh. Tôi nhìn theo nghĩ ngợi và cảm mến tấm lòng nhân hậu của bạn ấy vô cùng.

Kể chuyện mẹ em có tấm lòng nhân hậu:

Hiện nay, ở miền Trung đang có lũ lụt rất lớn đã cướp mất của cải và đất hoa màu. Để chia sẻ với những người dân miền Trung, sau đây, em xin kể một câu chuyện nói về điều đó. Câu chuyện như sau:

Một buổi tối, khi hai mẹ con đang xem ti vi thì cái Hoa thốt lên:

– Mẹ ơi, miền Trung khổ thật, mẹ nhỉ!

– Ừ, con có biết rằng bây giờ, miền Trung đang chịu đựng một thiệt thòi rất lớn không?

– Con biết chứ. À, mẹ ơi! Ngày mai, mẹ cho con ăn cơm rang nhé, con không ăn phở nữa đâu. Con dành tiền cho người dân miền Trung cơ!

– Thôi, con thích ăn phở thì cứ ăn đi, còn con thích ủng hộ bao nhiêu thì mẹ cho.

Nhưng cái Hoa vẫn một mực không chịu:

– Con thích tự mình ủng hộ chứ không phải mẹ cho tiền như thế đâu!

Hình như câu nói đó đã làm mẹ nó phải động lòng.

Bỗng mẹ ôm chầm lấy cái Hoa, nói:

– Ôi, con gái của mẹ có trái tim nhân hậu quá! Thôi, được rồi, con muốn thế nào thì mẹ sẽ chiều.

Cái Hoa tươi cười:

– Con cảm ơn mẹ ạ!

Câu chuyện nhỏ ở trên có làm trái tim bạn, suy nghĩ của bạn ngân rung lên không, dẫu là rất khẽ thôi?

Khi xem ti vi, đọc báo, khi nhìn thấy cảnh miền Trung phải chống chọi với lũ, hẳn ai cũng quặn lòng đau xót. Nhưng sao ở chỗ này, chỗ kia vẫn có những đồng tiền bị tiêu xài phung phí. Hãy một lần lắng nghe trái tim ta để chia sẻ thêm một chút nữa, để ta được trong sáng, đẹp đẽ với tuổi thơ, cái tuổi thơ mà ai cũng đáng có được.

*****

Xem thêm văn kể chuyện lớp 4 khác:

Trên đây là một số bài văn kể về người có tấm lòng nhân hậu của học sinh lớp 4 được đánh giá cao. Trong cuộc sống hàng ngày, còn vô số những câu chuyện cảm động và ý nghĩa như vậy nữa mà các em có thể kể lại trong bài viết của mình. Hi vọng rằng, với những kinh nghiệm rút ra được từ việc tham khảo những bài viết mẫu trên, các em sẽ có cho mình một bài văn kể chuyện hoàn chỉnh về chính những tấm gương nhân hậu trong thực tế em đã từng thấy hoặc nghe kể. Chúc các em học tốt môn Văn !

Nguồn: https://truonghuynhngochue.edu.vn
Danh mục: Tiếng việt 4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button